Trong lời tựa cho tập thơ Gửi hương cho gió (1945), Xuân Diệu đã viết:


Tôi là con chim đến từ núi lạ,
Ngứa cổ hát chơi.
Khi gió sớm vào reo um khóm lá,
Khi trăng khuya lên ủ mộng xanh trời.

Chim ngậm suối đậu trên cành bịn rịn,
Kêu tự nhiên, nào biết bởi sao ca.
Tiếng to nhỏ chẳng xui chùm trái chín;
Khúc huy hoàng không giúp nở bông hoa.

Hát vô ích, thế mà chim vỡ cổ,
Héo tim xanh cho quá độ tài tình.


Cuộc đời của nhà thơ Xuân Diệu là một ẩn số mà ta chỉ có thể giải mã qua những bài thơ và truyện ngắn của ông. Những sáng tác của ông bộc lộ sâu sắc nỗi khát khao nằm ngoài chuẩn mực giới và sự thân mật đồng tính giữa thăng trầm lịch sử. Con chim nơi núi lạ hát về một mối tình bi thảm, không được hợp pháp, không được chấp nhận, cũng chẳng thể sống. Tiếng hát ấy có thể không được lắng nghe vào cái thời của nó, nhưng tiếng vang thì vọng mãi; nó cộng hưởng với các thế hệ nghệ sĩ trẻ queer khắp khu vực Đông Nam Á và ở hải ngoại. Không hẳn trực tiếp, những đồng vọng níu một kết nối cảm xúc với trải nghiệm queer từ những thuở đã qua. Trong nỗ lực gỡ bỏ các cấu trúc thống trị ở thì hiện tại, chúng cùng lúc hình dung vô vàn khả thể mới cho tương lai.
Lấy các sáng tác của Xuân Diệu làm điểm khởi đầu, triển lãm “Con chim đến từ núi lạ” khám phá những giao điểm và khác biệt giữa giới và tính dục trong lịch sử địa chính trị phức tạp của khu vực Đông Nam Á – những lịch sử vốn được kéo giãn, vần vò thêm bởi hình dung và những co kéo hải ngoại. Triển lãm vượt ra ngoài nhãn quan huyền bí hóa phương Đông và những ẩn dụ ngoại lai, mời gọi nghệ sĩ và các nhà thực hành văn hóa Đông Nam Á từ nhiều nơi trên thế giới cùng đặt lại câu hỏi: việc chúng ta định danh mình là Queer —hoặc là Kathoey, Bakla hay Kwir— có ý nghĩa gì với chúng ta, trong một Đông Nam Á chuyển mình từ quá khứ, hiện tại đến tương lai? Rõ ràng, không có một câu trả lời duy nhất.
Hành trình của Con chim nơi núi lạ đan xen thành nhiều chương xuyên suốt triển lãm. Ở khu vực trung tâm là kho lưu trữ cộng đồng ghi lại những câu chuyện, trải nghiệm và góc nhìn của người queer Đông Nam Á tại quê nhà và ở hải ngoại.Kho lưu trữ này đóng vai trò nền tảng cho các tác phẩm trưng bày, được chia thành bốn nhóm chủ đề chính: Những lời hứa hiện thân, Các ngã rẽ tâm linh, Tri thức tổ tiên, và Kỹ nghệ nhiệt đới.
Con chim nơi núi lạ hát vang các tường thuật đi liền với chạng vạng ký ức, những kết nối tâm linh, vượt xuyên ranh giới thông thường.
Lần giở lại những huyền thoại địa phương thời kỳ tiền thực dân, kể chuyện bằng sử truyền khẩu, cũng như tái hình dung các lưu trữ, họ/ chúng ta thách thức những góc nhìn định chuẩn hóa dị tính, những góc nhìn của chuẩn mực truyền thống về nhà nước dân tộc và dĩ Âu vi trung. Họ/chúng ta đắm chìm trong đa chiều kích của thực tại hỗn độn, khi sự tồn tại và những liên đới được thêm vào lát cắt của tiểu sử du cư, nền chính trị phi thực dân, những chấn thương và khao khát được (chẳng) thuộc về. Họ/chúng ta - những người queer ở đây, lúc này, khi đó, cùng nhau, trong cả những gì chưa tới.
Con chim nơi núi lạ thân mời bạn, người ghé thăm, cùng bước vào những cung đường muôn hướng của người queer Đông Nam Á tại quê nhà và ở hải ngoại. Triển lãm này không có hướng dẫn — bạn hãy tham gia trọn vẹn bằng mọi giác quan và con người mình, để chúng dẫn lối.

Phụ Lục các chương